Nền ẩm thực Hàn Quốc từ xưa đến nay vẫn luôn chiêu đãi du khách bằng vô vàn món ngon ngất ngây như cơm cuộn (kimbap), bánh gạo xốt cay (tokbokki), gà hầm sâm (samgyetang). Nhưng ở khía cạnh khác, xứ sở Kim chi cũng có nhiều món ăn “độc chiêu” thách thức lòng can đảm của thực khách đến mức tối đa. Nếu đang tìm hiểu về những món ăn có dư vị khó quên đến mức… khó đỡ ở xứ Hàn, bạn có thể sẽ hứng thú với 5 ví dụ tiêu biểu dưới đây.
#1 San-nakji (산낙지): Râu bạch tuộc sống
Nguồn ảnh: Wikipedia
Đã có mặt trên bàn nhậu từ tận thời Tam Quốc (năm 57 TCN), đến nay San-nakji (râu bạch tuộc sống) vẫn bán “đắt như tôm tươi”. Ngoằn ngoèo, ngoe nguẩy, ngọ nguậy – những chiếc râu bạch tuộc dù đã rời khỏi cơ thể nhưng vẫn chuyển động càng tăng thêm độ e dè khi cầm đũa cho người ăn.
Để khử tanh, người ta trộn râu bạch tuộc cắt miếng vừa ăn với dầu mè và hạt mè
Bạn có thể cho thêm tương ớt nếu thích ăn cay
Phần hấp dẫn nhất của San-nakji nằm ở quá trình thưởng thức. Khi nhai, các xúc tu bạch tuộc liên tục dính vào khoang miệng và tiết ra vị mặn dịu. Nhấp thêm một ngụm Soju, sự sảng khoái đến từ cả hương vị món ăn lẫn cảm giác chinh phục đầy thỏa mãn sẽ lan tỏa khắp người. Không thể thiếu trong chuyến đi đầy phiêu lưu, San-nakji “ghi điểm cực mạnh” trong những món ăn du khách quốc tế muốn thử nhất khi đến Hàn Quốc.
#2 Gaebul (개불): Giun thìa biển
Giun thìa biển bán tại các chợ hải sản
Nguồn ảnh: Ryukoch
Khi nhấc lên khỏi mặt nước, giun thìa biển sẽ phun nước ra
Nguồn ảnh: Youtube EETV
Khoan bàn đến hương vị, chỉ nhìn ngoại hình của Gaebul (giun thìa biển) là nhiều người đã lập tức tròn mắt. Lúc mới đào lên, giun thìa biển chỉ nhỏ cỡ bàn tay, trải qua một thời gian ngâm nước sẽ phình to đến mức khó tin.
Gaebul có thể ăn sống chấm muối hoặc dầu mè
Nguồn ảnh: Seagull Marketplace
Gaebul xào cay có vẻ là một món ngon “được lòng” các food reviewer
Nguồn ảnh: ImageKing
Cách chế biến Gaebul phổ biến nhất là ăn sống, xào cay hoặc nướng. Dáng hình tuy có phần khiến thực khách bối rối, nhưng hương vị của món ăn được khen ngợi hết nấc: càng nhai càng thấy ngọt, đằm chút vị mằn mặn của biển khơi. Có lẽ “bắt miệng” như vậy nên Chun Song Yi (Jun Ji Huyn thủ vai) trong bộ phim “Vì sao đưa anh tới” mới nằng nặc đòi ăn gaebul cho bằng được!
#3 Hongeo (홍어회): Cá đuối lên men
Hongeo thường được ăn kèm với thịt heo luộc, kim chi và mù tạt
Nguồn ảnh: Wikipedia
Một vị khách nào đó đã nhận xét món Hongeo đầy thú vị thế này: “Hữu xạ tự nhiên hương nhưng mà nó lạ lắm”.
Cá đuối bài tiết qua da, sau quá trình lên men thì da cá dần dà có mùi ngai ngái chẳng lẫn vào đâu được.
Cá đuối được bán tại chợ với mức giá khá đắt đỏ từ 40.000 – 80.000 won
Nguồn ảnh: NYTimes
Khó ngửi là vậy, nhưng Hongeo lại là đặc sản của tỉnh Jeollanam-do
Nguồn ảnh: New York Times
Mùi hương “sởn gai ốc” có thể làm bất cứ ai chần chừ trước món ăn này, nhưng những người đã chinh phục được lại đánh giá thịt cá rất ngon. Có lẽ vì thế mà món ăn vẫn chưa thể vắng mặt trong các dịp nhậu nhẹt, với tận 11.000 tấn Hongeo được tiêu thụ mỗi năm ở Hàn Quốc.
#4 Cheonggukjang Jjigae (청국장찌개): Canh tương đậu “xác chết”
Nguồn ảnh: Reddit
Gượm đã, món canh này không rùng rợn như bạn đang nghĩ đâu, chỉ là mùi hương nồng nàn muốn nổi da gà thôi ấy mà.
Món canh tương đậu này phải nói là “kẻ tám lạng, người nửa cân” với cá đuối Hongeo, đến người dễ ăn nhất cũng có phần lưỡng lự.
Tương đậu Cheonggukjang được ví von như “kẻ hủy diệt mùi hương” của món ăn
Nguồn: Wikipedia
Cheonggukjang jjigae là món khoái khẩu của dân Hàn vào mùa đông lạnh giá
Nguồn ảnh: Naver
Nói đi cũng phải nói lại, Cheonggukjang Jjigae nặng mùi nhưng bù lại bổ dưỡng, giàu các vitamin, khoáng chất từ đậu nành và lợi khuẩn sinh ra trong quá trình lên men tự nhiên.
#5 Mal-gogi (말고기): Thịt ngựa sống
Nguồn ảnh: Edaily
Dễ chịu nhất trong bài viết này có lẽ là Mal-gogi (thịt ngựa sống). Ở Jeju, nơi nuôi nhiều ngựa nhất Hàn Quốc, món ăn này được bày trí chẳng khác gì cao lương mỹ vị.
Một bữa tiệc Mal-gogi thịnh soạn ở Jeju
Mal-gogi với dầu mè, hạt mè, hành, lê xắt sợi và lòng đỏ trứng
Nguồn ảnh: Daily Farm
Có nhiều điểm tương đồng giữa thịt ngựa với thịt bò sống: mọng nước, thanh ngọt; song vị của thịt ngựa có phần ngậy hơn thịt bò, dù lượng mỡ chỉ bằng 1/3. Cách chế biến phổ biến của thịt ngựa sống là thái mỏng ăn sống, hoặc trộn với gia vị và lòng đỏ trứng.
Kết
6 món ăn vừa là thử thách, vừa là “gia vị” tăng độ kích thích cho hành trình khám phá Hàn Quốc của những thực khách ưa mạo hiểm. Dạo một lượt menu đã xong, bạn đã “tia” được món nào sẽ thử ngay đầu tiên vào lần tới đặt chân đến Hàn Quốc chưa?